Thiếu hạ tầng trạm sạc và còn bỏ ngỏ về chất lượng sản phẩm là những yếu tố thách thức các hãng xe điện Trung Quốc khi cập bến thị trường Việt Nam.
Trong thời gian vừa qua, các hãng xe Trung Quốc liên tiếp tung các sản phẩm điện khí hóa tại thị trường Việt Nam. Điển hình, trong đầu tháng 6, hãng xe động cơ đốt trong MG đã ra mắt xe điện MG4 tại thị trường Việt Nam. Thời gian tới, hãng xe này dự kiến tiếp tục tung thêm xe điện MG7.
Hay như mới đây, thương hiệu lớn nhất Trung Quốc BYD đã chính thức mở bán 3 mẫu xe điện đầu tiên ở nước ta. Ngoài ra, thị trường xe điện còn sôi động bởi nhiều thương hiệu khác như: Wuling, Lynk & Co, Haima, Chery. Tuy mang lại nhiều lựa chọn xe hơi đổi mới năng lượng cho khách hàng, các hãng xe điện từ Trung Quốc đang được nhận định sẽ có nhiều thách thức ở nước ta.
Bổ sung thêm phân khúc còn thiếu
Vào ngày 18/07, BYD Việt Nam đã chính thức công bố giá bán của mẫu xe thuần điện BYD Seal. Xe có hai phiên bản là Advance và Performance với mức giá lần lượt là 1,119 tỷ và 1,359 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là mẫu xe thuần điện có kiểu dáng sedan đầu tiên tại thị trường Việt Nam.
Cụ thể, BYD Seal bản Advance được trang bị động cơ điện ở cầu sau với công suất 201 mã lực và mô-men xoắn 310 Nm, có khả năng tăng tốc từ 0-100 km/h trong 7,5 giây. Trong khi đó, phiên bản Performance sở hữu hai động cơ điện, dẫn động 4 bánh, công suất lên tới 523 mã lực và mô-men xoắn 670 Nm, giúp xe tăng tốc từ 0-100 km/h chỉ trong 3,8 giây.
Chưa đáp ứng đủ hệ thống trạm sạc
Điều các hãng xe Trung Quốc mới về Việt Nam chưa đáp ứng được khách hàng là hạ tầng trạm sạc. Theo đại diện BYD Việt Nam, hãng chủ trương không tập trung xây dựng trạm sạc công cộng riêng, thay vào đó khách hàng sẽ sạc tại các trạm của bên thứ ba phát triển.
Trong khi đó, hầu hết trạm sạc tại Việt Nam thuộc sở hữu của VinFast và chỉ phục vụ sản phẩm của thương hiệu này. VinFast đã thông báo sẽ chia sẻ trạm sạc với các hãng khác nhưng cần thời gian để thực hiện. Vì vậy, để chủ động nhất, người mua chỉ có thể lắp trạm sạc ở nhà. Điều này được nhận định là vấn đề lớn với người dùng tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP. HCM, làm thu hẹp tệp khách hàng.
Tâm lý quan ngại từ những mẫu xe Trung Quốc
Từ năm 2006, tập đoàn Lifan đã ra mắt mẫu sedan Lifan 520, đánh dấu lần đầu tiên có thương hiệu Trung Quốc cập bến thị trường Việt Nam. Đến năm 2009, tập đoàn Chery đã giới thiệu mẫu xe Chery QQ3 với giá chỉ 10.000 USD (khoảng 180 triệu đồng tại thời điểm đó). Năm 2010, BYD cũng trình làng mẫu BYD F0 tại Việt Nam với mức giá khoảng 200 triệu đồng.
Điểm tương đồng lớn nhất của các sản phẩm này là giá thành rẻ hơn nhiều so với các mẫu xe nhập khẩu từ Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc và có thiết kế “nhái” các thương hiệu nổi tiếng. Ngoài ra, chất lượng xe Trung Quốc lúc bấy giờ vẫn chưa cao. Điều này đã tạo ra nhiều định kiến với các dòng ô tô Trung Quốc ở thị trường trong nước.
Ngoài ra, tâm lý sử dụng xe “ăn chắc, mặc bền” từ Nhật Bản và Hàn Quốc đã hằn sâu vào tiềm thức của nhiều người dùng ô tô tại Việt Nam bởi sự bền bỉ, có độ uy tín. Đến nay, các hãng xe như Hyundai, Toyota vẫn luôn đứng đầu doanh số Việt Nam.
Điển hình, trong một buổi lái thử của hãng xe BYD trên đường đua F1 Hà Nội vào cuối tháng 6 vừa qua, PV Báo Công Thương đã có cơ hội trò chuyện với một số khách hàng.
Anh Minh, trú tại quận Long Biên chia sẻ: ''Mình rất háo hức để trải nghiệm những sản phẩm năng lượng mới trên thị trường toàn cầu. Mẫu xe hôm nay mình chạy thử là chiếc BYD Dolphin với giá dự kiến khoảng hơn 660 triệu đồng. Dù có nhiều công nghệ mới, nhưng với khả năng tài chính eo hẹp như hiện nay, mình sẽ chọn mua những mẫu xe gầm cao cỡ nhỏ chạy xăng như Kia Sonet, Toyota Raize với mức giá lăn bánh chỉ từ hơn 600 triệu đồng".
''Xe điện Trung Quốc có dồi dào công nghệ, thiết kế đẹp nhưng mình vẫn muốn sử dụng các mẫu xe phổ thông do Nhật Bản, Hàn Quốc sản xuất bởi có sẵn nguồn linh kiện, dễ dàng thay thế với chi phí rẻ'', anh Quốc Bình, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội bày tỏ.
Bỏ ngỏ về độ tin cậy
Trong các hãng xe điện mới về thị trường Việt Nam, BYD là thương hiệu có quy mô lớn nhất về các cơ sở chế tạo. Tuy nhiên, hãng xe này cũng đang phải đối mặt với nhiều câu hỏi về sản phẩm.
Tại Thái Lan, ngày càng có nhiều khiếu nại về chất lượng của BYD về tình trạng bong tróc sơn và nhựa. Trong khi đó, ở Israel, xe BYD EV được cho là đã bị cong vênh dưới sức nặng của giá nóc.
Truyền thông châu Âu lưu ý rằng dù nấm mốc có thể xảy ra phổ biến trên ô tô, đặc biệt khi chúng được bảo quản trong thời gian dài trong điều kiện ẩm ướt, nhưng vấn đề với ô tô BYD là chúng không được xử lý thích hợp để loại bỏ nấm mốc.
Ngoài ra, thông tin ghi nhận được đã xảy ra vụ cháy showroom BYD thứ 10 kể từ năm 2021 vào ngày 16/5 vừa qua, thiêu rụi hoàn toàn 7 xe và làm hư hại nhiều xe khác. Hãng xe Trung Quốc giải thích rằng hệ thống dây điện cũ trên mái cửa hàng là nguyên nhân gây cháy, nhưng các báo cáo chỉ ra rằng các phòng trưng bày của họ thường xuyên bốc cháy. May mắn là vụ việc mới nhất không có ai thiệt mạng, nhưng phải cần đến 7 xe cứu hỏa mới có thể dập tắt được.
(Nguồn: https://congthuong.vn/cua-nao-cho-cac-hang-xe-dien-trung-quoc-khi-ve-viet-nam-333379.html)
275 triệu
435 triệu
365 triệu
665 triệu
335 triệu
555 triệu