Doanh số mảng xe gầm cao cỡ nhỏ tăng 3 lần sau 3 năm, trong khi sedan cỡ B gần như đứng yên, còn hatchback cỡ A giảm 42%.
Doanh số lũy kế đến tháng 7 của nhóm xe gầm cao cỡ nhỏ (A+ đến C-) đạt 37.238 xe. Đây là phân khúc xe bán chạy nhất thị trường ôtô Việt Nam, vượt qua nhóm sedan cỡ B truyền thống (25.896 xe) vốn thống trị thị trường nhiều năm trước.
Ưa chuộng xe gầm cao trở thành xu hướng trên thế giới trong khoảng 5-7 năm qua, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Dấu ấn rõ nét của xu hướng này bắt đầu khoảng 3 năm trở lại đây, khi các hãng đa dạng hóa dải sản phẩm CUV/SUV, doanh số nhờ đó tăng đáng kể.
Xe gầm cao tăng trưởng nhanh
Trong 3 năm qua, bốn phân khúc có doanh số cao nhất thị trường là sedan cỡ B, hatchback cỡ A, CUV cỡ nhỏ và xe đa dụng MPV. Đây là các phân khúc ở tầm giá khoảng 800 triệu trở xuống. Trong 2022, bốn phân khúc này bán ra hơn 226.000 xe, chiếm khoảng 44,5% thị phần toàn thị trường Việt (508.545 xe), vốn đã tính cả xe thương mại.
Biểu đồ doanh số cho thấy, từ 2020-2022, hai phân khúc gầm cao là MPV và CUV tăng mạnh, trong khi gầm thấp là sedan B đi ngang và hatchback A giảm. Thứ bậc cho thấy rõ sự thay đổi. Nếu năm 2020, CUV cỡ nhỏ nằm thấp nhất trong 4 nhóm, thì sau tháng 7 tháng đầu 2023 đã vươn lên đứng đầu.
Cụ thể, nhóm MPV tăng 67% doanh số giữa năm 2022 và 2020. Trong khi đó, crossover (CUV) cỡ nhỏ từ A+ đến C- tăng mạnh nhất, gần 200%. Doanh số 2022 là gần 73.700 xe, trong khi 2020 là 24.636.
Với sedan cỡ B, doanh số 2022 cao hơn 2020 khoảng 2.200 xe, tức tăng trưởng chưa đến 1%. Doanh số năm 2020 chịu ảnh hưởng của Covid-19. Vì vậy nếu không có dịch bệnh, khả năng cao doanh số nhóm B đi xuống sau 3 năm. Nhu cầu về sedan giá rẻ cho gia đình lẫn chạy dịch vụ vẫn thường trực tại Việt Nam, chưa thoái trào như những phân khúc cao hơn, cỡ C, D.
Phân khúc ghi nhận doanh số giảm mạnh nhất là hatchback cỡ A giá rẻ nhất thị trường. Năm 2022, khi VinFast Fadil ngừng bán từ tháng 7, những mẫu xe Nhật như Toyota Wigo, Honda Brio lần lượt khai tử vì chưa có động cơ đáp ứng yêu cầu chuẩn khí thải Euro 5, doanh số toàn phân khúc đạt 27.833 xe, giảm 42% so với hai năm trước đó.
Đa dạng nguồn cung
CUV cỡ nhỏ tại Việt Nam hiện chia làm 3 nhóm chính, gồm cỡ B truyền thống, nơi những mẫu như Hyundai Creta, Kia Seltos, Honda HR-V... nổi bật về doanh số nhất. Thấp hơn một chút là những mẫu A+ như Kia Sonet, Toyota Raize hay VinFast VF 5 Plus. Dưới cỡ C là những mẫu cỡ B+ lấp lửng với đại diện là chiếc Toyota Corolla Cross, bên cạnh Mazda CX-30.
"Xu hướng ưa chuộng những mẫu xe gầm cao, thiết kế hiện đại, nhiều option được tạo ra bởi khách hàng đang dần trẻ hóa", trưởng nhóm đào tạo sản phẩm của một đại lý Hyundai ở TP HCM, nói. "Tiện nghi nhiều, đa dụng kèm giá bán ngang ngửa những chiếc sedan cỡ B nên những chiếc CUV cỡ A+, B đang được ưa chuộng".
Khi khách hàng chuộng xe gầm cao, các hãng cũng tối đa hóa nguồn cung ra thị trường bằng việc "SUV hóa" các sản phẩm từ siêu nhỏ, nhỏ đến vừa. Cách các hãng ra mắt các sản phẩm mới cho thấy điều này.
Toyota mang chiếc Corolla Cross (cỡ B+) về Việt Nam vào 2020. Đến 2021, hãng có thêm chiếc Raize (A+) và trong tháng 9 tới, Yaris Cross sẽ là mẫu CUV thuần cỡ B được giới thiệu. Hãng Nhật tập trung hoàn toàn vào phân khúc CUV cỡ nhỏ, trong khi CUV cỡ C vẫn bỏ trống. Tuy nhiên, nhiều khả năng chiếc MPV Innova thế hệ mới với phong cách SUV sẽ được hãng định vị ở nhóm CUV cỡ C thay cho cái tên RAV4 vẫn chưa có kế hoạch cho thị trường Việt Nam và Đông Nam Á.
Sau khi ra mắt Kia Seltos năm 2020, Trường Hải giới thiệu thêm chiếc Kia Sonet cạnh tranh với Raize vào 2021. Cùng năm với Sonet, Mazda tung bộ đôi CX-3 và CX-30 lần lượt cỡ B và B+ ra thị trường. Tháng 3/2022, Hyundai Thành Công thay thế chiếc Kona đã ngưng bán bằng mẫu Creta nhập từ Indonesia.
Trong 2 năm qua, những cái tên CUV khác xuất hiện ở Việt Nam như Nissan Kicks, Volkswagen T-Cross (cỡ B), VinFast VF e34 (cỡ B+), VinFast VF 5 Plus (cỡ A+)... Sắp tới, những VF 3 (cỡ A-), Mitsubishi Xforce, VinFast VF 6, Omoda 5 (cỡ B), Jaecoo 7 (cỡ B+) sẽ ra mắt thị trường. Thương hiệu Cộng hòa Czech, Skoda bắt đầu kinh doanh vào tháng 9 tới cũng sẽ giới thiệu bộ đôi sản phẩm đều là SUV (cỡ C và D).
Với riêng VinFast, sau khi khai tử các mẫu xe xăng, trong đó có sedan Lux A và hatchback cỡ A Fadil, dải sản phẩm hiện thời của hãng đều là CUV/SUV thuần điện, trải dài từ A đến E. Kế hoạch của hãng đến hiện tại hoàn toàn vắng bóng sedan.
Ở nhóm xe đa dụng MPV, thành công vang dội của Mitsubishi Xpander tại Việt Nam thu hút nhiều đối thủ đến tìm cơ hội. Nửa cuối 2022, Hyundai mang về chiếc Stargazer, Trường Hải ra mắt chiếc Kia Carens. Và gần đây nhất, Honda giới thiệu chiếc BR-V lần đầu tiên cho thị trường Việt. Sắp tới, những mẫu MPV của MG, Haima cũng sẽ xuất hiện.
Ngay với MPV, các hãng cũng tạo ra làn sóng SUV hóa các sản phẩm của mình để chiều lòng khách hàng. Ví dụ như Mitsubishi có bản Cross cho Xpander, Suzuki tạo ra XL7 với những tinh chỉnh nhỏ mang chất SUV dựa trên Ertiga.
Toyota đưa hậu tố Cross lên chiếc Veloz để tách biệt thiết kế với mẫu Avanza (cả hai dùng chung khung gầm). Honda BR-V, Kia Caren được tạo hình theo thiên hướng SUV. Hyundai Stargazer mới đây cũng có biến thể X với thiết kế khỏe khoắn hơn, SUV hơn, hướng đến cạnh tranh Xpander Cross.
Theo các chuyên gia, xu hướng xe gầm cao đa dụng (CUV) sẽ tiếp tục tăng trưởng thời gian tới. Việc nở rộ các dòng sản phẩm giá đan xen nhau của CUV sẽ khiến các phân khúc như sedan cỡ B hay hatcback cỡ A san sẻ bớt khách.
(Nguồn: https://vnexpress.net/nguoi-viet-ngay-cang-thich-oto-gam-cao-4642760.html)
275 triệu
415 triệu
655 triệu
725 triệu
365 triệu
370 triệu